Du học không chỉ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ mà còn là của nhiều bậc phụ huynh. Thế nhưng các bạn đã hiểu rõ hết về “du học” chưa?

DU HỌC, TẠI SAO TÔI ĐI DU HỌC?

 

TẠI SAO TÔI ĐI DU HỌC? 

 

Ngày nay, khái niệm du học đã trở nên quá đỗi bình thường, thậm chí trở thành một lẽ đương nhiên đối với nhiều gia đình. Từ cuốn sách “ Du học ký: Vạn dặm có chi?”, của nhóm tác giả Spiderum, tác giả Hiền Nguyễn đã chỉ ra những quan niệm sai lầm về du học của hầu hết các bậc cha mẹ trong việc định hướng cho con đi du học như sau:

   •     Đi du học là chọn ngành nào sau khi tốt nghiệp dễ kiếm việc, không quan tâm đến việc phù hợp với con thế nào;

   •     Đi du học là chắc chắn sướng hơn ở nhà;

   •     Đi du học là điều đương nhiên vì gia đình có tiền có điều kiện, “nước ngoài” hơn “nước trong” nên phải đi;

   •     Đi du học thì tương lai chắc chắn huy hoàng. Cứ đi du học là đứa trẻ nào cũng thành công, lương cao hơn tốt nghiệp trong nước.

Nhưng đã thực sự có ai ngồi lại và suy nghĩ vì sao mình muốn đi du học chưa? Khi trả lời được câu hỏi này rồi, tất cả mọi khúc mắc của bạn sẽ được giải quyết gọn ghẽ. ACCIO rất tâm đắc câu này của tác giả:

“Bất cứ thông tin gì, từ ai cũng chỉ để tham khảo. Cần phải nghe thông tin từ nhiều chiều và nếu được thì phải chính mình mắt thấy tai nghe. Đừng lười biếng. Đừng thụ động. Hãy chịu khó lục tìm TẤT CẢ các loại thông tin mà bạn có thể tìm, trước khi đi hỏi bất kỳ một ai. Ngày nay Internet – Google, các trang mạng xã hội là những công cụ cực kỳ hữu ích để các phụ huynh có thể tìm kiếm thông tin. Bạn sẽ tìm thấy những thông tin chung nhất về đất nước ấy, về ngành học ấy, về ngôi trường ấy chỉ bằng một cú gõ trên Google thôi.

Đồng thời, tác giả cũng gợi ý những thứ ta cần thực sự quan tâm để có thể du học thành công như:

   •    Mình đã sẵn sàng để sống xa nhà một mình chưa?

   •    Cá tính và sự thích nghi, kỹ năng sống và khả năng hòa nhập

   •    Năng khiếu bản năng, thế mạnh thiên hướng

Chung quy lại, mình phải hiểu rõ chính bản thân trước khi xác định những bước tiếp theo, bạn nhé!

“Không có nước mắm hay ruốc, con vấn đi du học được! Nhưng không có định hướng đúng đắn và sự quan tâm cần thiết, thì du học sẽ chẳng bao giờ là một quyết định đầu tư khôn ngoan.”

 

 Ở NƠI XỨ NGƯỜI

 

Mình chắc, mỗi du học sinh đều có những trải nghiệm riêng khi ở xứ người. Mỗi người là một câu chuyện, một hành trình dài để tự học tập và trưởng thành hơn.

Có thể khi mới qua “bển” bạn sẽ có những cảm giác như: bạn lạc lỏng, bạn nhớ nhà, bạn tủi thân vì thấy như có mình mình trên thế giới,… nhưng bạn sẽ học được cách thích nghi với những điều đó, bạn sẽ học được cách có thêm bạn bè, học thêm ngoại ngữ để có thể giao tiếp với người bản xứ. Đó là bản năng để bạn thật sự trưởng thành và khôn lớn hơn.

Vì thế, nếu đủ tự tin thì hãy trải nghiệm nhé!

 ĐI ĐỂ TRỞ VỀ 

Bây giờ, các bạn đã đến gần cuối chặng đường du học rồi nhỉ. Đối với nhiều du học sinh, không dễ để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: Du học xong thì Ở hay Về. Đây là câu hỏi mà mỗi một du học sinh phải tự trả lời cho chính mình. 

Thông thường, mục đích của việc đi du học được tóm gọn trong 3 điều:

   •    Mở mang kiến thức, có thêm góc nhìn về thế giới bên ngoài.

   •    Làm quen với môi trường làm việc quốc tế.

   •    Đi làm lương cao

Nếu không có điều kiện đi du học, vậy có cách nào để cạnh tranh “sòng phẳng” với tất cả những du học sinh ưu tú ngoài kia trên thị trường làm việc không nhỉ? Có chứ sao không, mình sẽ tóm tắt ý chính của tác gỉa nhé: 

   •    Hiểu được ngôn ngữ ở dưới các góc độ khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần là một công cụ giao tiếp.

   •    Có khả năng nắm bắt và thích nghi văn hóa tốt.

   •    Luôn cập nhật những xu thế mới về công nghệ, nhất là những công cụ liên quan đến việc trao đổi, giao tiếp và kiểm soát công việc như: Skype, Web Meeting, Amazon Mail Service, Slack, Dropbox, AWS, Teamwork, Asana, vvv

   •    “Hòa nhập chứ không hòa tan”. Nghĩa là bạn sẽ hội nhập thế giới với chính bản sắc của mình để rồi tự hào nói “I am Vietnamese” chứ không từ bỏ gốc rễ về văn hóa, quê hương của mình. Không tự ti mà cũng chẳng tự tôn thái quá nhé.

*nguồn: sưu tầm